Mứt đu đủ là một loại mứt khá quen thuộc với người dân Việt Nam, nhất là những dịp Tết. Có rất nhiều cách làm mứt đu đủ xanh, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách làm mứt sao cho ngon. Vì thế, bài viết hôm nay sẽ chia sẻ đến các bạn cách làm mứt ngon và đơn giản nhất.
Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm mứt đu đủ
Về phần nguyên liệu để tiến hành cách làm mứt đu đủ xanh này thì khá đơn giản. Như cái tên của nó, nguyên liệu chính phải có là đu đủ. Ngoài ra, bạn còn sử dụng thêm một số nguyên liệu khác nữa thì mới làm được món mứt mà mình yêu thích. Cụ thể những nguyên liệu cần chuẩn bị gồm:
- Đu đủ: 2 kg.
- Đường trắng: 1 kg.
- Vani: 2 ống.
- Vôi trắng: 60g.
- Muối
- Đường phèn chua
Ngoài những nguyên liệu trên, bạn cũng phải chuẩn bị một số vật dụng như chảo, đồ nạo, dao, thớt, đĩa, thau, bát. Những vật dụng này phải được vệ sinh sạch sẽ trước khi dùng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cách làm mứt đu đủ xanh
Với cách làm mứt đu đủ xanh này thì bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian. Tuy nhiên, bạn phải thực hiện đầy đủ các bước để có được thành phẩm là những miếng mứt đu đủ thật thơm ngon nhé. Các bước bạn cần tiến hành gồm:
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
Để tiết kiệm thời gian, bạn nên ngâm vôi trắng trong đêm trước, để qua đêm và ngày hôm sau sẽ sử dụng được. Với phần vôi đã chuẩn bị, bạn cho thêm khoảng 2 lít nước vào rồi khuấy đều. Tuyệt đối không dùng tay trực tiếp khuấy vôi vì vôi có thể khiến da tay của bạn trở nên tồi tệ với hiện tượng nứt nẻ, khô rát. Để sử dụng nước vôi này, bạn sẽ lọc chúng qua lớp màng để lấy phần nước trong bên trên.
Đu đủ thì gọt bỏ vỏ, nên gọt vỏ dày một chút để bớt đi lớp mủ của đu đủ. Ngoài ra, bạn cũng nên ngâm đu đủ trong chậu nước rồi gọt vỏ để hạn chế mủ bám vào tay. Sau khi bỏ vỏ xong thì thái đu đủ thành sợi vừa ăn (khoảng đầu đũa ăn cơm). Vừa thái vừa ngâm phần đu đủ thái được trong nước muối khoảng 15 phút rồi rửa lại với nước sạch. Tiếp đến cho thêm một ít muối vào bóp với đu đủ thêm lần nữa rồi rửa lại với nước và để ráo.
Bước 2: Ngâm đu đủ trong nước vôi trong đã lọc
Công đoạn tiếp theo là cho toàn bộ đu đủ vào thau nước vôi trong đã lọc để ngâm. Bạn nên sử dụng thau có độ lớn vừa phải để nước vôi ngập trên đu đủ. Thời gian ngâm đu đủ với nước vôi trong là khoảng 4 – 5 tiếng. Sau đó, bạn mang đu đủ đi rửa lại nhiều lần với nước sạch để loại bỏ mùi hắc của vôi. Với cách ngâm này thì đu đủ sẽ giữ được độ cứng, tránh bị nát ở công đoạn sên.
Bước 3: Chần đu đủ qua nước phèn chua
Cho khoảng 1,5 lít nước vào nồi, đun sôi rồi cho phèn chua vào. Khi đường phèn tan hết thì cho toàn bộ đu đủ vào, đun khoảng 1 phút thì vớt đu đủ ra ngoài cho vào thau nước lạnh khoảng 5 phút. Sau đó, vớt đu đủ ra ngoài, để ráo nước.
Bước 4: Ướp đu đủ với đường
Cho toàn bộ đường đã chuẩn bị trước đó vào đu đủ rồi trộn đều cho đến khi đường tan hết. Tùy vào khẩu vị mỗi người mà bạn có thể thay đổi lượng đường. Tỉ lệ thường là 1kg đu đủ, ướp với 500g đường. Một lưu ý nhỏ, bạn không nên trộn mạnh tay khi ướp đu đủ với đường vì nó dễ làm đu đủ mềm và nát khi sên.
Bước 5: Sên đu đủ
Mứt đu đủ của bạn có đẹp mắt, có ngon không phụ thuộc hoàn toàn vào công đoạn sên đu đủ. Do đó, bạn cần tỉ mỉ một chút để có được thành phẩm như ý nhé. Ở công đoạn này, bạn nên sử dụng một chảo lớn, có đáy rộng để dễ đảo đu đủ. Cho toàn bộ đu đủ đã ướp đường vào chảo rồi bắt chảo lên bếp có mức lửa vừa phải. Khi đường trong chảo sôi thì chỉnh lửa nhỏ lại một tý.
Quá trình sên đu đủ không khó nhưng đòi hỏi chúng ta phải tỉ mỉ. Thỉnh thoảng đảo đều đu đủ để tránh tình trạng cháy đường ở dưới đáy hoặc đường sên không đều. Trong lúc sên, thấy nước đường cạn thì đảo nhanh tay đến khi đường sánh lại và khô. Sau đó, cho 2 ống vani đã chuẩn bị vào chảo rồi đảo đều thêm khoảng 1 phút rồi tắt bếp.
Cách tạo màu cho mứt đu đủ
Với cách làm mứt đu đủ trên thì thành phẩm của các bạn là những miếng mứt đu đủ có màu xanh nhẹ truyền thống. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sáng tạo thêm màu cho phần mứt của mình chỉ với một bước tạo màu nữa. Sau khi hoàn tất bước 3 là chần đu đủ qua nước phèn chùa thì bạn tiến hành tạo màu cho đu đủ.
Cách tạo màu cho đu đủ cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần ngâm toàn bộ đu đủ đã hoàn tất ở bước 3 với nguyên liệu màu mà bạn mong muốn. Ví dụ như bạn thích mứt đu đủ có màu xanh cốm thì ngâm với trà xanh hoặc lá dứa. Tương tự để có được màu tím thì ngâm với nếp cẩm, màu đỏ thì ngâm với gấc. Thời gian ngâm là khoảng 3 tiếng để có được màu sắc đẹp mắt. Sau công đoạn này thì tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo.
Cách bảo quản mứt đu đủ xanh giữ được độ ngon lâu dài
Với tất cả thực phẩm khô bao gồm mứt thì cách bảo quản luôn được chú trọng vì nó quyết định đến chất lượng và độ ngon của sản phẩm. Vậy làm thế nào để bảo quản mứt đu đủ giữ được độ ngon lâu dài? Câu trả lời sẽ là những gợi ý dưới đây:
- Bảo quản mứt đu đủ bằng hũ kín vì đường rất dễ chảy nước khi có không khí vào. Khuyến khích sử dụng hũ thủy tinh vì nó có khả năng cách nhiệt, cách không khí rất tốt.
- Cho thêm một ít đường lên bề mặt hũ mứt để hút ẩm bên trong hũ.
- Khi sử dụng nên lấy từng phần nhỏ, sử dụng hết thì lấy thêm. Vì khi chưng quá nhiều mứt ở ngoài không khí thì chúng sẽ dễ chảy nước nếu không ăn hết.
- Không để mứt ở những nơi có ánh nắng rọi trực tiếp vào hoặc những nơi có nhiệt độ cao như gần bếp ga. Vì nhiệt độ cao sẽ làm đường chảy ra rất nhanh.
- Để dọn khách thì nên trưng mứt vào những bát, khay hoặc hũ có nắp để tránh tình trạng côn trùng hoặc ruồi đậu vào.
- Để bảo quản mứt trong thời gian lâu thì sau khi sên mứt xong, các bạn có thể mang mứt đi phơi khoảng 1 – 2 tiếng để có được độ khô, giòn cho từng miếng
Với những chia sẻ trên, chắc chắn thành phẩm của cách làm mứt đu đủ xanh hôm nay sẽ được bảo quản tốt và sử dụng được trong thời gian dài. Một lưu ý nhỏ là bạn cũng đừng quên vệ sinh sạch những vật dụng dùng để đựng mứt trước khi cho mứt vào nhé.
Mặc dù, cách làm mứt đu đủ xanh này không khó nhưng cũng đòi hỏi chúng ta tỉ mỉ để có được những phần mứt thơm ngon, màu sắc rực rỡ, tô điểm thêm cho không khí ngày Tết. Nếu bạn thấy hứng thú với cách làm mứt này thì đừng quên lưu lại để một dịp nào đó trổ tài làm mứt chiêu đãi người thân nhé.
Bình luận