Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng, trở thành vấn đề nan giải trên toàn cầu.
Theo dữ liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, gần như toàn bộ người dân trên thế giới (99%) đang phải hít thở bầu không khí có chứa hàm lượng các chất ô nhiễm cao. Chúng gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Làm sao để đối phó với “kẻ giết người thầm lặng” mang tên ô nhiễm không khí? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi này.
Cập nhật các chỉ số ô nhiễm không khí ở các địa phương lớn hiện nay
Chỉ số ô nhiễm không khí là gì?
Chỉ số ô nhiễm không khí AQI (Air Quality Index) là một thước đo báo cáo chất lượng không khí hàng ngày, cho chúng ta biết không khí xung quanh ô nhiễm hay trong lành, ô nhiễm mức độ nào. Sức khỏe cộng đồng càng bị ảnh hưởng nghiêm trong khi chỉ số AQI càng lớn.
EPA – Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ tính toán AQI bằng 5 thông số ô nhiễm không khí phổ biến bao gồm: Ozon mặt đất, ô nhiễm phân tử (đánh giá qua chỉ số bụi mịn PM 2,5 và PM 10), CO, SO2, NO2.
EPA cũng đã quy định màu sắc cụ thể cho từng thang điểm AQI để chúng ta dễ dàng nắm rõ tình trạng không khí trong cộng đồng:
- 0 – 50: màu xanh tương ứng với chất lượng không khí tốt, trong lành.
- 51 – 100: màu vàng biểu thị chất lượng không khí trung bình.
- 101 – 150: màu cam, tương ứng với chất lượng không khí kém, không tốt cho các nhóm nhạy cảm.
- 151 – 200: màu đỏ là chất lượng không khí xấu, gây hại cho sức khỏe.
- 201 – 300: màu tím biểu thị chất lượng không khí rất xấu, gây nguy hiểm cho tất cả mọi người.
- 301 – 500: màu nâu, biểu thị mức độ ô nhiễm trầm trọng nhất.
Cập nhật chỉ số ô nhiễm không khí ở các địa phương lớn hiện nay
- Hà Nội: Chỉ số AQI tại Hà Nội là 121, xếp thứ 8 về ô nhiễm trong tổng số 92 thành phố lớn trên thế giới, mức độ này được xem là không tốt cho những người nhạy cảm. Chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM 2,5. Đặc biệt tại huyện Đông Anh mức độ AQI lên tới 155, tình trạng này được xem là rất xấu, gây hại cho mọi người.
- Thành phố Hồ Chí Minh: Chỉ số AQI hôm nay là 138, xếp thứ 8 về mức độ ô nhiễm trong tổng số 92 thành phố lớn trên thế giới nồng độ bụi mịn PM 2,5 trung bình là 50.5µg/m³ (mức cho phép là 5ug/m).
- Thị trấn Hồ, tỉnh Bắc Ninh: Chỉ số AQI chạm ngưỡng 184. Nồng độ bụi mịn PM 2.5 lên đến 119.8µg/m³ (mức cho phép là 5ug/m) cao gấp 24 lần mức độ cho phép, nồng độ PM 10 lên đến 232.3µg/m³. Có thể thấy ô nhiễm tại đây đang ở mức báo động.
- Đà Nẵng: AQI tại Đà Nẵng là 157 với nồng độ bụi mịn PM 2,5 là 67.8µg/m³ gấp 13.6 lần mức độ cho phép.
- Pleiku, Gia Lai: Chỉ số AQI ở ngưỡng 160, tình trạng này rất xấu, gây hại cho mọi người. Người dân nên hạn chế ra đường trong thời gian này.
Cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí trong thời gian tới
Sau thời gian giãn cách kéo dài, xã hội đã trở lại với guồng quay vốn có, kéo theo đó là ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Trong những ngày qua, cái nắng chói chang buổi trưa của những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng,… cũng không thể xua đi lớp khói trắng đục bụi do ô nhiễm.
Đặc biệt, vào những giờ cao điểm như 6 – 8 giờ sáng hoặc 11 – 14 giờ trưa, ô nhiễm còn cao hơn, hiển thị ở mức màu cam, màu đỏ gây hại cho mọi người, một số địa phương có mức độ ô nhiễm hiển thị ở màu tím và cả tím đậm, mọi người dân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Các dự báo cho biết tình trạng ô nhiễm tương ứng tại các thành phố trên còn kéo dài trong vài tuần tới. Nguyên nhân chủ yếu đến từ giao thông đường bộ, hoạt động công nghiệp, đun nấu dân sinh, đốt phụ phẩm công nghiệp, đun nấu dân dụng và các nguồn khác.
Hậu quả của ô nhiễm không khí đến với sức khỏe
Theo WHO, hơn 13 triệu người tử vong trên toàn cầu là do các nguyên nhân môi trường, trong đó 7 triệu người tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tại Việt Nam, ước tính khoảng 60.000 người tử vong mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Mặc dù chúng ta thường không nhìn thấy các chất ô nhiễm trong môi trường, nhưng chúng lại gây nhiều ảnh hưởng đến cơ thể, không chỉ hệ hô hấp mà cả gan, tim, phổi, thâm chí là thai nhi trong bụng mẹ.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp
Ô nhiễm không khí tác động nặng hay nhẹ đến hệ hô hấp phụ thuộc vào sự pha trộn các chất gây ô nhiễm, thời gian tiếp xúc, nồng độ ô nhiễm trong không khí, lượng chất ô nhiễm được hít vào và thâm nhập vào phổi.
PM10 vào cơ thể thông qua đường dẫn khí và tích tụ trên phổi. PM 2,5 có kích thước bé hơn nên chúng có thể luồn lách vào túi phổi, tĩnh mạch phổi, thậm chí là xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. PM 2,5 kết hợp với SO hay CO, NO2 có thể gây cản trở hemoglobin kết hợp với oxi gây tình trạng tế bào thiếu oxi.
Mũi là cơ quan đầu tiên chịu tác động tiêu cực từ việc thay đổi khí hậu, thời tiết. Nhiều người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Những ảnh hưởng rõ rệt trên phổi khi ô nhiễm ở mức độ cao như khó thở, kích ứng đường hô hấp, lên cơn hen suyễn, làm tăng các bệnh phổi mãn tính, lâu ngày có thể gây ung thư phổi.
Ảnh hưởng đến tim mạch
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, làm tăng tỷ lệ đột quỵ Các chất kháng viêm, chất hóa học hay các loại bụi mịn có trong không khí có thể phát tán từ phổi, xâm nhập vào hệ tuần hoàn và ảnh hưởng trực tiếp đến tim mạch.
Ô nhiễm, khói thuốc ảnh hưởng đến khả năng co thắt và giãn nở của mạch máu, khiến chúng bị giảm kích cỡ gây cản trở cho việc lưu thông huyết mạch, làm tăng nguy cơ tạo máu đông ở động mạnh, đây là nguyên nhân chính gây ra chứng nhồi máu cơ tim.
Ô nhiễm không khí gây tổn thương thận
Ô nhiễm không khí và thận nghe có vẻ không liên quan lắm. Thực tế ô nhiễm không khí đã tạo áp lực lớn khiến cho thận không thể lọc được hết các chất ô nhiễm có trong máu, lâu ngày gây ra các bệnh về thận và suy thận.
Ảnh hưởng đến quá trình sinh sản
Một số nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có thai sống trong những nơi ô nhiễm không khí có nguy cơ sinh con bị tự kỉ cao hơn 2 lần so với những người sống ở khu vực có chất lượng không khí tốt. Ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ hơn vào giai đoạn cuối thai kỳ, khiến nhiều bé bị sinh non, sinh nhẹ cân.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm còn làm giảm chất lượng tinh trùng, tác động tiêu cực đến khả năng có con của người nam.
Ô nhiễm không khí làm yếu xương cốt
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ bị loãng xương và gãy xương tương tự như ảnh hưởng của khói thuốc lá đến hệ xương khớp của con người.
Ảnh hưởng đến làn da
Chắc hẳn nhiều bạn đã biết đến điều này. Các chất ô nhiễm trong không khí có thể gây hại đến làn da, gây mụn, phá hủy tế bào da và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tự tái tạo của làn da, khiến sắc tố da thay đổi, đẩy nhanh nguy cơ lão hóa khiến làn da xuống sắc.
Gây đau đầu
Vào những khoảng thời gian mà mức độ ô nhiễm không khí ở cấp độ cao, các bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đau nửa đầu.
Giải pháp bảo đảm sức khỏe ở môi trường bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Ô nhiễm không khí không có giới hạn nhất định, tình trạng này chỉ được giải quyết khi ý thức của cộng đồng và người dân được tăng lên. Để chống lại “sát thủ thầm lặng” gây nhiều căn bệnh nguy hiểm, thậm chí là gây chết người, mỗi chúng ta nên áp dụng những biện pháp dưới đây:
Theo dõi tin tức để biết thông tin và biện pháp khắc phục
Các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên thường xuyên theo dõi cũng như cập nhật tình trạng chất lượng không khí, từ đó biết được mức độ ảnh hưởng và có các giải pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp.
Theo dõi chất lượng không khí qua app
Bạn có thể tải các ứng dụng kiểm tra chất lượng không khí về điện thoại để tiện theo dõi như:
AirVisual
Ứng dụng được nhiều người tin dùng nhất bởi hiệu quả đo lường cũng như cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác theo từng khu vực. Dữ liệu của AirVisual được lấy từ cơ quan chính phủ kết hợp với vệ tinh.
Không chỉ kiểm tra chất lượng không khí trong nhà và ngoài trời, AirVisual còn đưa ra những lời khuyên và giải pháp phù hợp cho con người nhằm hạn chế các rủi ro.
AIR by Plume Labs
Ứng dụng kết hợp các phép đo trên mặt đất kết hợp với hình ảnh vệ tinh và trí tuệ nhân tạo mang đến các báo cáo về chất lượng không khí theo thời gian thực. Bạn có thể xem chất lượng không khí ở những khu vực khác khi có kế hoạch cho chuyến du lịch sắp tới.
Air Matters
Đây là ứng dụng tổng hợp thông tin chất lượng không khí từ hơn 180 quốc gia trên thế giới. Nếu bạn sở hữu máy lọc không khí phổ biến như Philips, ứng dùng này còn cho phép đồng bộ kết nối để việc quản lý thêm dễ dàng cũng như gợi ý mức độ lọc mà bạn cần áp dụng phù hợp với không khí trong nhà.
Theo dõi chất lượng không khí qua một số trang về môi trường
Bạn có thể theo dõi tình hình ô nhiễm không ý từ nguồn thông tin của Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên tại địa chỉ cem.gov.vn. Ngoài ra còn có một số trang web khác như:
- Moitruongthudo.vn: Website cung cấp chỉ số báo cáo chất lượng không khí tại Hà Nội.
- Pam Air: Cung cấp số liệu về không khí trên cả nước, có số liệu từng giờ.
- Fairnet: Cung cấp số liệu về không khí của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Các biện pháp hạn chế ô nhiễm không khí khi đi ra ngoài
- Cần theo dõi chỉ số bụi trước khi ra ngoài. Trường hợp chỉ số bụi của thành phố cao, nếu không gấp thì nên hạn chế ra ngoài.
- Hạn chế tới những nơi giao thông nhiều, đông đúc. Nếu được, hãy đến những nơi có trồng nhiều cây cối, không khí trong lành để phổi được thanh lọc.
- Không tập thể dục thể thao tại nơi nhiều khói bụi, chất lượng không khí xấu. Vì khi hoạt động thể lục nhiều chúng ta thường thay đổi kiểu thở từ mũi sang miệng. Lúc đó, bụi bẩn sẽ vào cơ thể trực tiếp mà không được lọc qua mũi, gây nhiều hiểm họa cho sức khỏe.
- Vào mùa đông, thời tiết lạnh, nên tránh đi bộ trên các tuyến đường đông đúc có nhiều khói bụi từ xe cộ.
- Đeo kính, đeo khẩu trang, che chắn mặt mũi, chân tay khi ra đường để giảm bớt việc tiếp xúc với bụi bẩn.
- Chọn chi chuyển bằng ô tô hoặc phương tiện công cộng thay vì xe máy, mô tô. Trên ô tô được trang bị máy lọc không khí giúp lọc được phần nào khói bụi bên ngoài. Bên cạnh đó, việc sử dụng các phương tiện công cộng giúp giảm bớt khí thải ra môi trường.
- Khi xe dừng đèn đỏ, bạn nên tắt máy, đặc biệt là ở ngã tư để giảm lượng khí thải.
- Vào những ngày mà chỉ số AQI cao thì trẻ em, người già hay những người nhạy cảm về sức khỏe không nên ra đường.
Các biện pháp hạn chế ô nhiễm không khí khi ở nhà
Trồng một số loài cây sinh ra khí oxy vào buổi tối
Cây nha đam
Cây nha đam được người Ai Cập ưu ái gọi là cây bất tử vì khả năng sinh trưởng và phát triển rất tốt. Đặc biệt, loại cây này rất dễ trồng, chỉ cần tưới nước đầy đủ mà không tốn công chăm sóc nhiều. Cây nha đam nhả khí oxy vào ban đêm giúp cải thiện giấc ngủ, tạo ra không khí trong lành.
Nha đam còn góp mặt trong danh sách top những cây trồng có khả năng cải thiện không khí tốt nhất của Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ NASA.
Cây cau cảnh
Cây cau cảnh có màu xanh mướt mắt, mang đến cảm giác thư giãn, xua tan đi cái nóng bức và lọc không khí hiệu quả. Bạn chỉ cần đặt cây tại nơi có ánh sáng mặt trời gián tiếp và giữ đất luôn ẩm là cây có thể phát triển tốt mà không cần chăm sóc nhiều. Ban đêm cây sẽ hút khí CO2 và sản sinh khí oxy khiến tâm trạng thoải mái, môi trường sống thông thoáng.
Cây trầu bà
Là loại cây lọc không khí tốt nhất theo nghiên cứu của NASA. Loại cây này có thể hút các chất độc hại như fomandehit, trichloroethylene, benzen,… Bên cạnh đó, cây trầu bà có khả năng quang hợp ngược, nhả khí oxy và hút khí CO2 nên được nhiều người ưa chuộng.
Cây oải hương
Không chỉ giúp tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà mà oải hương còn giúp lọc sạch không khí, hút CO2 và các mùi khó chịu, sản sinh khí oxy vào ban đêm cho không gian trong lành kết hợp với hương hoa nhẹ nhàng giúp giảm căng thẳng hiệu quả.
Cây hương nhu tía
Nếu bạn đang tìm kiếm một loại cây giúp lọc không khí hiệu quả và tỏa ra hương thơm nhè nhẹ, dễ chịu thì hương nhu tía cũng là một lựa chọn lý tưởng đấy. Loại cây này cũng có khả năng quang hợp ngược, nhả khí oxy vào ban đêm góp phần làm trong lành bầu không khí.
Vệ sinh nhà cửa
Hầu hết chúng ta đều dành tới 60% thời gian ở nhà, vì vậy làm sạch không khí trong nhà là điều vô cùng cần thiết, dưới đây là những mẹo mà bạn nên áp dụng ngay:
- Hút bụi thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn. Hiện nay rất nhiều hãng sản xuất máy hút bụi với giá thành phải chăng, giúp bạn tiết kiệm tối đa thời gian và công sức.
- Nấm mốc là nguyên nhân gây dị ứng, ngứa ngáy. Vì vậy, bạn chỉ nên giữ độ ẩm trong nhà < 60%. Những nơi như bồn rửa chén, nhà tắm không nên để đọng nước.
- Thường xuyên giặt sạch giày dép, chăn ga, rèm cửa, thảm trải sàn vì đây là nơi tích trữ nhiều bụi bẩn, gây ra các mùi hôi khó chịu.
- Sử dụng chất tẩy rửa tự nhiên như chanh, muối, giấy thay vì các chất tẩy rửa hóa chất vì sau khi sử dụng chúng sẽ bốc hơi và lẫn vào không khí gây hại cho cơ thể.
Đóng, che kín phòng
Mở cửa thường xuyên sẽ giúp lưu thông không khí trong nhà, tránh gây bí bách, ngột ngạt. Tuy nhiên, vào những ngày bụi bặm nhiều, chỉ số ô nhiễm tăng cao thì bạn nên đóng và che kín phòng, tránh trường hợp khói bụi từ bên ngoài xâm nhập vào nhà.
Trang bị máy lọc không khí
Đây có thể là một giải pháp khá tốn kém, tuy nhiên so với kết quả mà thiết bị này mang lại thì đây là một khoản đầu tư vô cùng xứng đáng. Máy lọc không khí có thể lọc bụi bẩn, loại bỏ mùi hôi, nấm mốc, loại bỏ các tác nhân gây dị ứng, đặc biệt là lọc được các hại bụi mịn gây hại trong không khí.
Kết luận
Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mỗi chúng ta, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Hy vọng với những thông tin và chia sẻ trên đây, bạn đã có thêm cho mình những mẹo để hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí cũng như cải thiện không khí cho ngôi nhà của bạn, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe.
Bình luận