Blockchain là gì? Blockchain có thực tuyệt vời như người ta đang nói về nó? Để làm sáng tỏ, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu công nghệ Blockchain. Phần chia sẻ khá dài, nhưng đây là những gì ngắn gọn Vietreview có thể truyền tải về Blockchain. Bạn có thể thư giãn trước khi chúng ta bắt đầu!
Blockchain là gì?
Blockchain hay cuốn sổ cái kĩ thuật là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ, truyền tải các khối thông tin (block) liên kết với nhau nhờ mã hoá. Blockchain được chia sẻ cho những người tham gia vào mạng lưới. Điều này có nghĩa, hệ thống không chỉ có một vị trí duy nhất vì tài liệu làm căn cứ đáng tin duy nhất với những lần sao chép như một phiên bản sổ cái được đặt ở nhiều nơi.
Tất cả bản sao được cập nhập khi có dữ liệu mới ghi vào Blockchain thông qua đồng thuận của tất cả người tham gia hệ thống. Nó là một hệ thống ngang hàng P2P, loại bỏ hoàn toàn các khâu trung gian, tăng tính minh bạch, tăng cường an ninh và sự ổn định. Giảm tối đa chi phí do lỗi.
Công nghệ Blockchain cho phép phân phối các thông tin kĩ thuật số và đây được xem là xương sống cho một loại hình Internet mới.
Don & Alex Tapscott trong cuốn sách Blockchain Revolution (2016) đưa ra nhận định về Blockchain: Blockchain là sổ cái kỹ thuật số không thể bị phá hỏng của các giao dịch kinh tế. Không chỉ ghi lại những giao dịch tài chính, Blockchain có thể được lập trình để ghi lại tất cả mọi thứ có giá trị.
Cách Blockchain làm việc?
Blockchain là một công nghệ tuyền vời từ Internet. Nó minh bạch và cho phép trao đổi giá trị mà không cần đưa ra bằng chứng để có được sự tin tưởng.
Ví dụ: Có 2 người cùng đặt cược cho thời tiết ngày mai, với 2 dự đoán về thời tiết là nắng và mưa. Người thắng sẽ nhận 50 USD, người thua phải trả 50 USD.
Để thực hiện được màn cá cược này, 2 người có thể thực hiện các giải pháp:
- Một là dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau. Nó giống như một giao dịch giữa những người bạn. Bạn thua bạn đưa tiền, tôi thắng tôi nhận 50 USD. Kết thúc trò cá cược.
- Hai là nhờ đến một bên thứ 3 như người làm chứng, hợp đồng hay một điều gì đó tương tự. Bên thứ 3 sẽ nhận tiền từ người thua và gửi đến người thắng.
Cả hai giải pháp đều không lí tưởng, bởi lẽ sự tin tưởng và bên thứ ba đều không có gì là chắc chắn cả.
Với công nghệ Blockchain bạn sẽ so tuỳ chọn giao dịch tối ưu và an toàn. Một dòng code được viết và chạy trên Blockchain, cả hai người cá cược sẽ cùng gửi vào 50 USD. Chương trình giữ 100 USD an toàn và kiểm tra thời tiết để biết ai là người chiến thắng. Nó tự động chuyển toàn bộ số tiền cho người chiến thắng một cách an toàn. Cả người thắng và người thua đều sẽ có quyền kiểm tra những tiến trình trên Blockchain bởi toàn bộ tiến trình là minh bạch, không có sự gian lận thay đổi nào thiếu sự có mặt của các bên liên quan.
Công nghệ Blockchain sẽ là giải pháp tuyệt vời cho mọi giao dịch.
Sau Blockchain, chúng ta thường nghe giới công nghệ tài chính nhắc về Bitcoin. Bitcoin được biết đến như một loại tiền tệ, nó giống VND, USD, EUR,…vv. Với ví dụ chúng tôi vừa nêu, bạn có thể sử dụng đồng Bitcoin để thực hiện cá cược 50 USD của mình.
Để hiểu hơn về Blockchain, bạn có thể tìm hiểu về đồng tiền Bitcoin, thứ vốn được nhắc đến rất nhiều khi nói về Blockchain.
Bitcoin là gì?
Bitcoin là một đơn vị tiền tệ kĩ thuật số. Cũng giống như bao nhiêu đồng tiền khác, bản thân Bitcoin không có giá trị. Nó có giá trị bởi chúng ta đồng ý việc trao đổi dịch vụ, hàng hoá với một lượng Bitcoin nhất định và chúng ta tin rằng người khác cũng làm như vậy.
Blockchain theo dõi lượng Bitcoin mà chúng ta sở hữu, nó theo dõi các giao dịch của Bitcoin.
File này không lưu trữ tập trung trên máy chủ mà được phân tán trên toàn thế giới thông qua mạng máy tính. Chúng vừa được lưu trữ, vừa thực hiện các tính toán. Mỗi một máy tính, đại diện cho một nút của mạng Blockchain và có một file kĩ thuật của sổ cái.
Bạn thực hiện giao dịch Bitcoin bằng cách gửi đi tin nắng tới mạng, yêu cầu số Bitcoin muốn giao dịch. Mỗi nút mạng sẽ nhận được thông báo và áp dụng yêu cầu giao dịch vào mọi bản sao sổ cái, tất cả sẽ cùng cập nhật số dư tài khoản Bitcoin của bạn. Hình ảnh bên dưới là yêu cầu của David, anh này yêu cầu chuyển 5 BTC đến Sandra.
Như đã nói, sổ cái được duy trì bởi một mạng lưới máy tính được kết nối chứ không phụ thuộc vào thực thể máy chủ trung gian như ngân hàng. Với Blockchain câu chuyện sẽ hoàn toàn khác:
- Với hệ thống ngân hàng, chúng ta chỉ biết số dư tài khoản và giao dịch của chính mình. Trên Blockchain, mọi người sẽ thấy mọi giao dịch của người khác.
- Với ngân hàng, bạn cần sự tin tưởng để giao phó những thứ giá của bạn, bạn có thể sẽ cần đến việc kiện cáo nếu có những vấn đề xảy ra.
- Hệ thống Blockchain hoạt động mà không cần đến sự tin tưởng, chứng minh hay kiện cáo. Độ an toàn, tin cậy có được thông qua các thiết lập toán học và code.
Để thực hiện giao dịch trên Blockchain bạn cần một chương trình cho phép lưu trữ là trao đổi Bitcoin, có thể gọi nó là “ví của bạn”. Chỉ bạn mới chi tiêu được Bitcoin trong ví của bạn. Ví này được bảo vệ bởi mật mã đặc biệt, sử dụng cặp khoá riêng biệt nhưng có kết nối đó là: Khoá riêng tư (private) và khoá công khai (public).
Ở hình ảnh mình hoạ:
David muốn gửi Bitcoin, anh cần phát đi tin nhắn yêu cầu bằng khoá riêng tư của ví. Vì chỉ có David mới có thể mở ví để sử dụng Bitcoin của anh. Mỗi nút trong mạng Blockchain có thể yêu cầu được kiểm tra chéo yêu cầu giao dịch của David. Lúc này cần giải mã thông báo yêu cầu giao dịch bằng khoá công khai từ ví của David.
Khi bạn mã hoá yêu cầu giao dịch bằng khoá riêng tư cho ví, bạn tạo ra một chữ kí số sử dụng với các máy tính trong mạng Blockchain để kiểm tra nguồn và xác thực giao dịch. Chữ kí số này ở dạng một chuỗi văn bản, chữ kí số là kết quả giữa yêu cầu giao dịch và khoá riêng tư của người dùng. Chữ kí số không thể sử dụng cho các giao dịch khác. Khi bạn thay đổi một kí tự trong yêu cầu giao dịch, chữ kí số sẽ được thay đổi. Chính vì vậy việc có kẻ tấn công thay đổi yêu cầu giao dịch của bạn hay thay đổi lượng Bitcoin giao dịch là bất khả thi.
Để gửi được Bitcoin, bạn phải chứng minh bạn sở hữu khoá riêng tư của một ví cụ thể. Khoá riêng tư sẽ mã hoá thông tin yêu cầu giao dịch. Bạn chỉ gửi thông báo khi nó đã được mã hoá, không có chuyện khoá riêng tư của bạn bị tiết lộ.
Tất cả các nút trong Blockchain đều giữ một bản sao của sổ cái. Nhưng các nút sẽ không có biết số dư tài khoản ví của bạn là bao nhiêu. Hệ thống Blockchain sẽ không theo dõi số dư, nó đơn thuần ghi lại các giao dịch được yêu cầu như một cuốn số cái “quyền năng”. Nó dõi theo và ghi nhận mọi giao dịch phát đi trên mạng Bitcoin. Muốn biết số dư trong ví, bạn cần phân tích và xác minh các giao dịch từng được thực hiện trên toàn bộ mạng kết nối với ví của bạn.
Số dư trong ví được xác minh nhờ liên kết các giao dịch trước đó. Ở hình minh hoạ bên dưới: Để gửi được 10 BTC cho John, Mary phải tạo yêu cầu giao dịch bao gồm các liên kết tới các giao dịch đến (số tiền Mary đã nhận) trước đó bằng hoặc lớn hơn 10 BTC. Đây gọi là các liên kết đầu vào.
Các nút trong mạng Blockchain sẽ xác minh và tham chiếu các liên kết đầu vào để đảm bảo giao dịch hợp lệ. Tất cả được thực hiện tự động trong ví của Mary và một lần nữa được kiểm tra bởi các nút mạng Bitcoin. Mary sẽ gửi giao dịch 10 BTC đến ví của John và sử dụng khoá công khai.
Để đảm bảo tính chính xác và đẩy nhanh quá trình xác minh liên kết đầu vào. Một bản ghi đặc biệt về các giao dịch không được sử dụng sẽ lưu lại bởi các nút mạng. Nhờ vậy, bạn không thể chi tiêu vượt quá số Bitcoin đang giữ.
Các code để thực hiện giao dịch trong mạng Bitcoin đều là mã nguồn mở. Do đó, bất cứ ai có máy tính và có kết nối Internet đều có thể thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, chỉ cần một lỗi trong code sử dụng phát yêu cầu giao dịch thì Bitcoin liên quan sẽ biến mất vĩnh viễn. Blockchain là một mạng lưới được phân phối, nên sẽ không có một dịch vụ hỗ trợ nào, không ai có nghĩa vụ giúp bạn khôi phục giao dịch bị mất hoặc lấy lại mật khẩu ví nếu như bạn quên chúng. Chính vì những điều này, nếu quan tâm đến mạng giao dịch Bitcoin bạn nên sử dụng phiên bản chính thức của phần mềm ví Bitcoin, ví dụ như Bitcoin Core. Như vậy bạn có thể lưu lại mật khẩu ví hoặc khoá riêng tư vào kho lưu trữ an toàn.
Đặc điểm chính của Blockchain
Blockchain có 7 đặc điểm chính:
1/ Cơ sở dữ liệu phân tán
Để dễ hiểu, bạn tưởng tượng một bảng tính được nhân lên hàng nghìn lần thông qua mạng lưới máy tính. Mạng lưới cập nhật thường xuyên bảng tính đó. Đó là chính là cơ sở dữ liệu phân tán của Blockchain.
Thông tin được tổ chức trên một Blockchain tồn tại dưới dạng cơ sở dữ liệu được phân phối và cập nhật liên tục. Cơ sở dữ liệu của Blockchain được lưu trữ một cách công khai, dễ dàng được kiểm chứng, không chỉ ở duy nhất một vị trí, nó được phân bổ khắp một mạng lưới.
Không tồn tại một phiên bản tập trung nào của cơ sở dữ liệu Blockchain. Vì vậy, hacker cũng khó tìm kiếm mình cơ hội để tấn công cơ sở dữ liệu này. Cơ sở dữ liệu Blockchain được lưu trữ trên hàng triệu máy tính cùng lúc, dữ liệu được truy cập bởi bất cứ ai có máy tính và được kết nối Internet.
2/ Blockchain cũng giống như Google Docs
Đầu tiên, với việc chia sẻ tài liệu Microsoft Word, chúng ta có thể gửi tài liệu qua email đến những người khác và yêu cầu họ sửa chúng. Bạn sẽ cần họ nhận, sửa và rồi gửi lại cho bạn. Không có chuyện cả bạn và người được nhận cùng lúc sửa tài liệu này. Ngân hàng cũng đang duy trì số dư và số chuyển khoản của bạn theo cách này. Họ sẽ khoá quyền truy cập khi thực hiện chuyển khoản và cập nhật số dư. Bạn sẽ mất quyền truy cập và chỉ được mở lại quyền khi ngân hàng cập nhập xong.
Khi sử dụng Google Docs lại khác, bạn và những người được bạn chia sẻ có thể truy cập đồng thời vào file tài liệu Google Docs. Phiên bản duy nhất của tài liệu được hiển thị cho tất cả. Nó tương tự như sổ cái dữ liệu của Blockchain.
3/ Tính bền vững
Giống như Internet, công nghệ Blockchain mang sức mạnh tích hợp. Blockchain lưu trữ những khối thông tin giống nhau trên mạng lưới của mình, Blockchain rất mạnh.
- Blockchain không thể bị kiểm soát bởi một thực thể nào.
- Blockchain không có điểm thiếu sót, không phát sinh lỗi.
Được phát hành từ năm 2008, Blockchain hoạt động liên tục không gián đoạn đáng kể nào. Đến nay, các sự cố liên quan đến Bitcoin đều do quản lí kém. Nguyên nhân của vấn đề là do lỗi của con người, không phải là những sai sót từ chính hệ thống.
4/ Minh bạch và không bị phá vỡ
Cả mạng lưới Blockchain tồn tại trong sự thoả thuận, kiểm tra tự động 10 phút một lần. Đây là một hệ sinh thái tự kiểm soát giá trị kĩ thuật số, mạng lưới điều hoà mọi giao dịch trong khoảng thời gian này. Mỗi nhóm giao dịch đọc gọi là một khối. Blockchain đảm bảo 2 điều:
- Minh bạch: Các dữ liệu được nhúng trong mạng lưới đều là các khối công khai.
- Không thể bị phá vỡ: Bất kì thông tin nào được thay đổi trên Blockchain, nghĩa là một số lượng lớn máy tính sẽ ghi đè lên toàn bộ mạng. Tuy nhiên trong thực tế điều này không xảy ra. Đơn cử như việc ai đó cố kiểm soát hệ thống để lấy Bitcoin thì sẽ khiến giá trị của nó bị huỷ.
5/ Mạng lưới với các nút
Nút ở đây là máy tính được kết nối trong mạng lưới Blockchain, sử dụng máy tính để thực hiện việc xác nhận và chuyển tiếp giao dịch. Nút sẽ nhận được bản sao của sổ cái khi tham gia mạng lưới Blockchain.
Các nút cùng nhau tạo nên một mạng lưới cấp 2 vô cùng mạnh. Mỗi nút trên mạng là một quản trị viên của Blockchain. Các nút tự động tham gia mạng lưới và động lực cho hoạt động này chính là có được Bitcoin. Người ta còn dùng cách gọi máy đào Bitcoin để chỉ các nút này. Ở đây, mỗi người cạnh tranh tìm cách giải quyết các câu đố để nhận về các Bitcoin. Bitcoin là lẽ sống của Blockchain và ngày nay nó vẫn đang tiếp tục thể hiện tiềm năng trong công nghệ Blockchain.
Thêm một thông tin, ngoài kia có khoảng 700 loại tiền kĩ thuật số như Bitcoin cùng nhiều biến thể Blockchain đang hoạt động, phát triển.
6/ Phân quyền
Blockchain được thiết kế để phân quyền. Phân quyền nghĩa là mạng lưới hoạt động dựa trên cơ sở người dùng P2P mà không một ai là trung tâm. Chính vì vậy nhiều ứng dụng của Blockchain trong nhiều hoạt động: tài chính, chứng khoán, y tế, …vv.
Ví dụ, các giao dịch trên sàn chứng khoán có thể thực hiện đồng thời trên Blockchain. Người ta có thể lưu trữ tài liệu như sổ đỏ một cách công khai. Mạng máy tính toàn cầu dùng Blockchain để cùng quản lí dữ liệu, theo dõi và ghi lại giao dịch Bitcoin.
7/ Tăng cường tính bảo mật
Việc lưu trữ dữ liệu trên mạng của mình, Blockchain loại bỏ gần như hoàn toàn rủi ro với kiểu dữ liệu tổ chức tập trung. Mạng Blockchain không tồn tải điểm yếu.
Trong thế giới Internet rộng lớn và ngày càng phức tạp, chúng ta dựa vào username và password để bảo vệ tài sản của mình trên Internet. Nhưng hệ thống bảo mật này vẫn có thể bị tấn công.
Blockchain sử dụng công nghệ mã hoá với cặp khoá riêng tư và công khai public/private. Khoá công khai là địa chỉ của người dùng trên Blockchain. Khoá riêng tư giống như mật khẩu, cho phép chủ sở hữu truy cập và sử dụng tài sản kĩ thuật số. Bảo mật trên Blockchain là không bị phá vỡ.
Công nghệ Blockchain là gì? đồng tiền kĩ thuật số Bitcoin là gì? cùng đặc điểm của Blockchain sẽ khép lại phần 1. Trong phần 2, chúng ta sẽ tìm hiểu về ứng dụng của Blockchain, những điểm yếu và nhiều thông tin thú vị về Blockchain. Theo dõi phần tiếp theo và đừng quên chia sẻ nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé!
Xem tiếp: Blockchain là gì? Những điều bạn cần biết về công nghệ Blockchain (P2)
Bình luận