Bánh gato là một trong những loại bánh ngọt dễ làm. Nhưng nếu không có lò nướng liệu có làm được? Với cách làm bánh gato bằng nồi cơm điện dưới đây bạn dễ dàng chinh phục được món bánh này.
Làm bánh gato bằng nồi cơm điện không phải là cách làm mới. Đây là cách làm giúp các chị em không có lò nướng thỏa mãn niềm đam mê bánh trái. Tuy nhiên, không phải ai làm bánh gato bằng nồi cơm điện cũng “bất bại”. Có người vì nguyên liệu không đủ, đánh trứng không tới, nhiệt nồi cơm điện không ổn định mà thất bại.
Nhưng, với cách làm bánh gato bằng nồi cơm điện mà chúng tôi giới thiệu dưới đây, đảm bảo bạn sẽ thành công ngay từ lần đầu tiên.
Chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu
Dụng cụ
Làm bánh gato bằng nồi cơm điện không thể thiếu những dụng cụ cơ bản dưới đây:
- Nồi cơm điện – đây là dụng cụ thiết yếu nhất
- Máy đánh trứng
- Giấy nướng bánh (giấy nến hoặc sử dụng giấy A4 trắng)
- Cân, rây bột, phới lồng, spatula
- Âu đánh trứng (nên dùng bát to có thành cao)
Nguyên liệu
- Trứng gà: 3 quả (khoảng 60gr/quả tính cả vỏ)
- Đường bột dùng làm bánh: 80gr – rây mịn
- Bột mì đa dụng hoặc bột mì số 8: 90gr – rây mịn
Cách làm bánh gato bằng nồi cơm điện
Bước 1: Chuẩn bị nồi cơm điện
Vì làm bánh gato bằng nồi cơm điện, nên việc chuẩn bị thiết bị này vô cùng quan trọng. Bạn có thể sử dụng nồi cơm điện gia đình vẫn sử dụng nấu cơm hàng ngày.
Nếu nồi không chống dính, dùng bơ quét một lớp mỏng dưới đáy và thành mặt trong của nồi. Rắc một lớp bột mỏng rồi úp vỏ nồi xuống, gõ nhẹ để lớp bột thừa rơi ra ngoài. Đây là cách chống dính cho nồi rất hiệu quả.
Tiếp tục lót giấy nến nướng bánh hoặc giấy trắng a4 xuống đấy nồi. Lớp giấy này sẽ giúp bạn dễ lấy bánh ra hơn, đồng thời cũng hạn chế việc đế bánh bị cháy do nhiệt cao.
Bước 2: Chuẩn bị đánh trứng
Dùng 1 nồi nhỏ có một chút nước và 1 âu đánh trứng. Chọn nồi có miệng nhỏ hơn miệng âu để có thể đặt âu lên miệng nồi, đảm bảo đáy âu không chạm nước.
Đun sôi nước trong nồi. Trong khi đó, đập trứng và rây đường vào âu.
Bước 3: Làm nóng trứng
Khi nước sôi, hạ lửa nhỏ để nước sôi lăn tăn. Lúc này đặt âu lên miệng nồi và dùng phới lồng quấy đều liên tục. u ấm dần lên giúp trứng bên trong cũng ấm nóng hơn. Việc quấy liên tục sẽ giúp trứng không bị nóng quá dẫn đến chín. Sờ tay vào trứng thấy rất nóng, khoảng 60 – 70 độ C thì lấy âu ra khỏi nồi.
Nhiều chị em không thực hiện làm nóng trứng mà đánh trứng trực tiếp luôn. Tuy nhiên, trứng ấm thường bông tốt hơn việc đánh trứng tươi trực tiếp. Hơn nữa, bọt khí cũng ổn định hơn, nên khi nướng bánh sẽ bông xốp.
Bước 4: Đánh bông trứng và đường
Bước này rất quan trọng nên bạn cần hết sức cẩn thận. Đặt máy đánh trứng ở tốc độ thấp, từ từ tăng dần lên mức cao nhất. Ban đầu, trứng loãng và có bọt khí to. Càng đánh, trứng càng đặc dần, thể tích tăng lên, bông hơn và bọt khí cũng nhỏ dần.
Ở bước này, phụ thuộc rất nhiều vào cảm nhận của bạn. Nếu trứng đã mịn hơn, bạn nên hạ tốc độ máy xuống mức vừa. Nếu thấy trứng đã rất bông, màu vàng, gần như xà phòng đặc và dường như không còn bọt khí nữa thì nên hạ xuống tốc độ thấp nhất.
Đánh trứng đến khi nào trứng mịn, hoàn toàn không thấy bọt khí thì dừng. Có một cách kiểm tra xem trứng đã đạt chưa đó là nhấc que đánh trứng lên, nếu thấy có chóp cong xuống mà không rơi là đạt.
Nếu trứng được đánh bông đủ sẽ thuận lợi hơn cho bạn ở khâu trộn bột. Trộn bột có hơi mạnh tay hoặc chưa đúng kỹ thuật, bọt khí vỡ cũng sẽ ít hơn, hạn chế việc bánh bị chai hoặc nở kém. Dùng trứng tươi đánh sẽ bông nhanh và ổn định hơn trứng cũ.
Cách đánh trứng: Nếu dùng máy cầm tay, khi đánh bạn nên di chuyển cho que đánh vòng quanh âu. Như vậy trứng sẽ bông nhanh hơn. Khi thấy bọt khí đã nhỏ mịn, nên hạ tốc độ máy. Vì nếu vẫn tiếp tục đánh với tốc độ cao sẽ tạo ra bọt khí to. Đánh trứng tốc độ chậm giúp các bọt khí trong trứng ổn định và đều hơn rất nhiều.
Việc đánh trứng rất cần sự kiên nhẫn. Vì thế bạn không thể làm qua loa hay đi tắt đón đầu được.
Bước 5: Rây và trộn bột
Không nên đổ toàn bộ bột vào trong âu trứng cùng một lúc. Nên chia bột thành 3 – 4 phần và rây từng phần vào âu. Điều này nhằm hạn chế việc bột bị vón cục khi trộn.
Việc trộn bột thế nào cũng rất quan trọng. Không phải bạn cứ ngoáy đều bột với trứng là được. Cách trộn bột chuẩn nhất là đảo và hất lên để trứng phủ lên bột. Hoàn toàn không phải quấy vòng tròn. Kỹ thuật này được gọi là kỹ thuật fold.
Bạn thực hiện như sau: cắm spatula (phới dẹt) lún sâu vào trứng, gần chạm đáy âu thì đảo và hất lên. Nên chỉ fold bột theo một chiều, tránh việc các bọt khí bị vỡ.
Khi trộn bột cần làm nhanh và nhẹ tay. Nếu trộn quá mạnh và đảo nhiều sẽ khiến bọt khí bị vỡ và trứng xẹp.
Bước 6: Đổ bột vào nồi
Đổ bột vào nồi cơm điện đã được chống dính, gõ nhẹ nồi xuống mặt bàn vài lần để bọt khí to vỡ bớt. Sau đó đặt vào nồi cơm điện, cắm điện và bật nút Cook.
Nồi cơm điện thường tự động chuyển sang chế độ Warm (giữ ấm) khi đã được làm nóng ở một mức độ nhất định. Chế độ giữ ấm thường có nhiệt độ thấp, không đủ để kích các hơi khí trong bánh phồng to. Với nhiệt độ này cũng không đủ để làm bánh chín hẳn và cứng cáp.
Vì thế, khi nướng bánh bằng nồi cơm điện bạn cần canh nhiệt độ chính xác. Không để nhiệt độ xuống quá thấp khiến bánh bị xẹp, chai ngay từ trong nồi.
Bước 7: Căn chỉnh nhiệt độ
Thực tế, nồi cơm điện loại nào cũng có thể làm bánh gato được. Nhưng muốn bánh ngon, bạn cần điều chỉnh và giám sát nhiệt độ phù hợp.
- Sau khi cho bột vào nồi, bật Cook. Để nồi ở chế độ Cook khoảng 3 – 5 phút thì chuyển sang chế độ Warm.
- Để nồi ở chế độ Warm khoảng 7 – 8 phút, tiếp tục bật lại chế độ Cook.
- Sau khi chuyển sang chế độ Cook, khoảng 3 phút sau nồi sẽ tự động chuyển về chế độ Warm
- Đợi tiếp 7 – 8 phút rồi bật trở lại chế độ Cook. Muốn bật sớm hơn, bạn cũng không bật được nhé.
Thực hiện quá trình này thêm khoảng 2 lần nữa, cứ 3 phút ở chế độ Cook, 7 phút ở chế độ Warm.
Nhiều người thắc mắc tại sao lại tận 7 phút ở chế độ Warm, như vậy có đủ nhiệt độ không? Xin trả lời, khoảng đợi 7 phút ở chế độ Warm vì nồi cơm điện khi chuyển sang chế độ này không thể bật lại Cook ngay được. Tùy vào từng loại nồi cơm điện mà thời gian đợi sẽ có sự chênh lệch khác nhau.
Khoảng thời gian chuyển sang chế độ Warm giúp nhiệt độ bên trong nồi được ổn định, không quá nóng. Nếu nồi cơm ở chế độ Cook liên tục sẽ khiến nhiệt cao làm cháy phần đáy, đồng thời bánh nở nhanh trong khi kết cấu chưa kịp vững chắc.
Trong khoảng 20 – 25 phút đầu tiên, không được mở nồi làm nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến bánh bị xẹp. Sau lần chuyển sang chế độ Warm lần thứ 3, bạn có thể kiểm tra xem bánh chín chưa bằng cách ấn ngón tay lên mặt bánh. Nếu vết lõm phồng trở lại là bánh đã gần được.
Sau khoảng 40 phút là bánh chín, tùy vào từng loại nồi cơm điện mà thời gian này sẽ khác nhau. Bánh chín, bạn chưa nên vội lấy bánh ra ngay, hãy đợi khoảng 3 – 5 phút cho bánh co bớt lại và tự róc ra khỏi thành nồi. Đặt bánh lên khay có khe hở và bóc phần giấy lót đế bánh cho bánh thoát hơi nước và nguội hẳn.
Như vậy, bạn đã hoàn thiện chiếc bánh gato bằng nồi cơm điện vô cùng đơn giản.
Lưu ý không nên bỏ qua khi làm bánh gato bằng nồi cơm điện
- Mỗi loại nồi cơm điện sẽ có dung tích khác nhau. Công thức 3 trứng trên đây phù hợp với nồi cơm điện đường kính 16cm. Tùy vào dung tích của nồi mà bạn sử dụng, bạn có thể tăng giảm các nguyên liệu trong công thức.
- Khi trộn bột không nên trộn mạnh tay sẽ khiến bọt khí bị vỡ, bột bị xẹp. Điều này sẽ khiến bánh bị chai sau khi nướng.
- Không nên nướng bánh quá cao so với nồi, vừa nhất là khi đổ bột bánh khoảng 2/3 thành nồi. Bởi nếu đổ nhiều bột, phần giữa bánh có thể chín chậm hoặc không chín, trong khi thành bánh đã chín.
- Trong thời gian nướng bánh không nên mở nồi để tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột làm ánh không nở được, bột bị chai.
- Không nên bật chế độ Cook quá lâu, dễ dẫn đến nhiệt độ cao khiến đáy bánh bị cháy hoặc bánh nở nhanh trong khi kết cấu chưa được vững chắc. Vì thế, bánh thành phẩm sẽ dễ bị thắt eo.
Thất bại thường gặp khi làm bánh bằng nồi cơm điện
Khi làm bánh bằng nồi cơm điện rất dễ gặp thất bại. Hai thất bại thường gặp nhất khi làm bánh bằng nồi cơm điện đó là bánh bị cháy và bị xẹp (thắt eo, lõm đáy).
Trường hợp bánh bị cháy là do nhiệt trong nồi quá cao. Bạn có thể khắc phục bằng cách lót giấy ở thành và đáy khuôn. Trong quá trình nướng nên giãn thời gian chuyển từ Warm sang Cook.
Trường hợp bánh bị thắt eo, lõm đáy do nhiều nguyên nhân. Có thể công thức của bạn sai, sử dụng ít bột, nhiều chất lỏng. Cũng có thể quá trình đánh trứng và trộn bột sai kỹ thuật.
Mở nồi sớm và nhiều lần cũng là nguyên nhân khiến bánh bị thắt eo, lõm đáy. Hoặc bánh chưa chín hẳn bạn đã lấy bánh ra khỏi nồi.
Để tránh tình trạng này, bạn cần thực hiện hết sức chuẩn chỉnh. Với nguyên liệu cần cân đong chính xác, không thể áng chừng bằng mắt. Quá trình nướng bánh cũng cần được kiểm tra kỹ lưỡng, tránh việc nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp.
Với cách làm bánh gato bằng nồi cơm điện trên đây, bạn có thể dễ dàng tạo ra được một món bánh thơm ngon cho cả gia đình thưởng thức.
Ngoài làm bánh gato, với chiếc nồi cơm điện bạn cũng có thể làm nhiều loại bánh trái hấp dẫn khác. Bạn có thể tham khảo thêm cách làm bánh chuối hấp bằng nồi cơm điện đơn giản. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn đã tự tin để làm bánh gato mà không cần đến lò nướng rồi!
Bình luận